Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến mang đầy hoài nghi, trăn trở cho nhiều người và chính bản thân. Nên câu hỏi (đặt ra với chính mình) là Có thực sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lựa chọn cầm súng chiến đấu (của mình và chiến hữu chung thế hệ) hay chăng? Để trả lời câu hỏi nầy, phải nại đến một tình cảnh mà chính bản thân đã có mặt vào một ngày của Tháng 6, 1972 khi đại quân miền Nam dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khai diễn Chiến Dịch Lôi Phong (25/6/1972), mở đầu kế hoạch tái chiếm Quảng Trị. "Bấy giờ, bắt đầu Mùa Hè 1972, tháng thứ ba kể từ ngày Bắc quân mở cuộc đại tấn công Miền Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên là hai nơi hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn nặng nề trước nhất, và người dân của chốn đau thương này lại thêm một lần tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất, cũng là nguồn tin cậy cuối cùng - Người Lính... Lính cộng hòa ơi, cứu bà con, lính cộng hòa ơi! Trên đoạn đường máu đóng khô vươn vải thây người, đoạn nam Thị Xã Quảng Trị, Quận Hải Lăng dài tới Cầu Mỹ Chánh... Không phải chỉ một vài một người, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần khi thở hơi cuối, mồm há hốc, tròng mắt thất thần dựng đứng. Họ gọi Người Lính khi nằm xuống nhìn máu chảy từ xác thân bị cắt xé, cứa dập, tay lần chuỗi Mân Côi, hạt Bồ Đề, và trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi. Nổ tàn nhẫn. Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, chụp xuống đủ lên thân thể con người. Trong tình cảnh cùng khốn nguy nan ấy, người dân chỉ còn "một lực giải cứu hy vọng duy nhất" để gọi tới sau khi những che chở cầu xin tôn giáo đã bị đám giặc phương Bắc ngụy danh "giải phóng" kia chà đạp thậm tệ, tàn nhẫn khinh miệt... Lính Cộng Hòa ơi! Người dân hơn một lần kêu lên như thế. Người hằng nhiều lần kêu lên như thế khi đối mặt cùng cái chết. Khi lâm tử.
Phải! Tôi đã nghe đồng bào kêu lên như thế trong Mậu Thân ở Huế, 1968; đồng bào đã kêu lên "Lính Cộng Hòa ơi cứu dân!" khi chạy loạn ở An Lộc, 1972. Đồng bào kêu cầu cứu với Lính Cộng Hòa khi di tản từ Cao Nguyên về Tuy Hòa, Bình Định, Nha Trang, Tháng Ba, 1975. Và sau 1975, trên Biển Đông, trên đường vượt biên ra khỏi nước, toàn dân Việt (không phân biệt Bắc/Nam) đã trở thành một loại tiện dân đọa đày khắp các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á, ở Hồng Kông, trước đám hải tặc, lính Khmer Đỏ. Và hôm nay trên biển Đông, trước "tàu lạ". Dân tộc Việt bị khinh biệt, bị đọa đày bởi một điều giản dị Dân Tộc Việt không còn Người Lính bảo vệ - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tan vỡ chung lần cùng Hy Vọng Việt Nam. Tôi luôn tin chắc Lý Chính Nghĩa của Người Lính Miền Nam cho dù có cuộc thất trận Ngày 30 Tháng 4, 1975. Tai họa từ phận nghiệp đen tối cho toàn Dân Tộc Việt - Không bởi từ Người Lính QLVNCH kém chiến đấu.
Trích Lời Nói Đầu trong Âm Vọng Từ Miền Đất Khổ