Chiến tranh đã qua đi ngót nửa thế kỷ, thời gian đủ dài cho hai, ba thế hệ ra đời và trưởng thành. Thế hệ thứ nhất, trực tiếp sống với, tham dự vào cuộc chiến, bên này hoặc bên kia, đã phần lớn đi vào tịch lặng. Chỉ còn lại một số ít, rất ít, và dù thỉnh thoảng đây đó vẫn lên tiếng bỉ thử, phê phán, chê bai, thậm chí rủa sả bằng lời lẽ nặng nề. Song những tiếng nói ấy rồi sẽ nhanh chóng chìm vào lãng quên. Cuộc sống hiện tại có quá nhiều lo toan, những vấn đề của ngót năm mươi năm trước đã quá cũ kỹ, hơi sức đâu quan tâm.
Tôi không thuộc thành phần cực đoan, thú thực tôi hoàn toàn không muốn viết về đề tài này. Từ lâu, trên những trang viết của tôi, rất ít khi tôi đề cập đến. Đó là vấn đề của lịch sử, hãy nhường cho các sử gia, chúng ta dẫu nói thế nào, bênh hay chống, tụng ca hay bỉ thử, cũng chỉ là những tiếng nói chủ quan, phát xuất từ trải nghiệm cá nhân, từ chỗ đứng trong quá khứ, làm sao tránh được thiên kiến. Vậy mà những dòng chữ đầu tiên tôi gõ xuống lại dẫn dắt tôi đi càng lúc càng sâu vào những năm tháng cũ! Có lẽ trong tiềm thức tôi giai đoạn khốc liệt, tan thương ấy vẫn còn tồn tại. Thôi thì hãy viết về cuộc chiến kia một lần, một lần duy nhất, rồi thôi, không bao giờ nữa, cho đến ngày chung cuộc. Tôi tự hứa.
Khi viết tôi đã luôn luôn cảnh giác, tự bảo hãy thực khách quan, đừng để cảm tình dẫn dắt, hãy nhìn mọi chuyện như nó đã là, tuyệt không phê phán, nhận xét. Bởi tôi hiểu phê phán, nhận xét của tôi sẽ bị khúc xạ bởi thiên kiến, một điều tôi vẫn thường chê trách mỗi khi đọc một trang viết, của bên này hoặc bên kia, khi nhắc đến cuộc chiến. Tuy vậy, dù rất cảnh giác, có thể tôi không tuyệt đối trung thực, nếu thế, tôi xin lỗi.
Chiến tranh không nên có và những thảm kịch phát sinh từ chiến tranh chúng ta cần nhớ. Nhớ như nhớ một vết thương, dù đã thành sẹo, cảm giác đau đớn vẫn tồn tại trong tâm não ta mỗi lần hồi tưởng. Đó là lời nhắc nhở, đừng bao giờ nữa phạm phải sai lầm đã phạm.
Cuốn sách này được hình thành với mong ước đó.
Khánh Trường
....