Suốt thời gian 45 năm giáo hóa, Đức Phật đã "đối cơ thuyết pháp" nghĩa là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh mà giảng dạy. Trong kinh ghi lại có tới 84 ngàn pháp môn, từ tục đế đến chân đế tối hậu, nhưng chung quy đều hướng tới mục tiêu thoát khổ, giác ngộ, giải thoát. Về phương thức thực hành Thiền, Đức Phật dạy bốn pháp cơ bản, đó là Quán, Chỉ, Định, Huệ. Tất cả các pháp môn đều nằm trong ba nguyên lý Giới, Định, Huệ gọi là Tam vô lậu học. Trong đó Phật đề cao Huệ. Bằng phương thức tu Huệ sẽ chuyển tâm mê thành tâm giác; chuyển tâm chấp trước, ích kỷ... thành tâm quảng đại, bao dung; chuyển tâm điên đảo, nghi ngờ ... thành tâm thuần tịnh, sáng suốt.
Ngày nay, chúng ta áp dụng các phương thức tu tập của Đức Phật truyền trao để huấn luyện các tế bào não luôn có quán tính dao động, lăng xăng phiền não... trong kinh gọi là Vọng tâm, trở thành quán tính thuần nhất, an tịnh, bình thản, hồn nhiên gọi là Chân tâm. Tác dụng của nó là giúp chúng ta hạn chế những xung đột nội tâm, giúp thân tâm được hài hòa, trí huệ được phát triển.
Không ít người nói Thiền là pháp môn tu tập khó hơn tất cả các pháp môn khác trong đạo Phật. Khó nhất là không làm chủ được "sự suy nghĩ" thuật ngữ gọi là "tâm ngôn, ý ngôn". Khó thứ hai là tham tùy miên, sân tùy miên, gọi chung là lậu hoặc, luôn tiềm ẩn trong tâm thức làm cản trở việc tu tập của hành giả. Đã thế, Thiền lại chủ trương tự lực, không trông cậy vào tha lực, nên hành giả một mình "độc hành độc bộ" tự khai phá mở cuộc hành trình trên thân và tâm của chính mình, để đi đến thoát khổ, giác ngộ, giải thoát. Thực sự khó hay không cũng là do nơi mình, không thể chỉ gặp một chút khó khăn đã vội vàng bỏ cuộc rút lui. Ở những bước đầu chúng ta cần chọn pháp môn thích hợp, nắm vững pháp học và pháp hành, nghĩa là nắm vững giáo lý và kỹ thuật thực hành. Sau đó, nỗ lực miên mật hành trì theo đúng Chánh Pháp thì sẽ có kết quả tốt.
Trở lại nội dung quyển sách, đây là một tài liệu mang tính cách giáo khoa rất khiêm nhường, nhưng cũng hữu ích cho quý vị nào có nhu cầu muốn học và thực tập Thiền để có kinh nghiệm chuyển hóa nhận-thức, cân bằng thân-tâm và thăng hoa trí-tuệ. Nó cũng có lợi ích thiết thực cho các vị đã và đang thực tập Thiền một thời gian dài mà chưa "làm chủ được sự suy nghĩ " vì tâm vẫn còn lang thang dính mắc với cảnh, không đạt được Định, nên chưa thể về được"Nhà" .