TRUNG A-HÀM, Tổng Lục. TUỆ SỸ biên soạn
Trung A-hàm, bản Hán dịch của Cù-đàm Tăng-già-đề-bà 僧伽提婆, (Gautama Saṅghadeva) hiện hành được nói là Thánh điển của Hữu bộ (Sarvāstivāda). Do bởi Tăng-già-đề-bà vốn xuất thân từ Kaśmira (Kế-tân/ Ca-thấp-di-la); đây là thủ phủ, và cũng được xem là hệ chính thống, của Nhất thiết hữu bộ, do đó có thể khẳng định Trung A-hàm Hán dịch bởi Tăng-già-đề-bà cũng thuộc Hữu bộ. Điều này được phần lớn các nhà nghiên cứu hiện đại thừa nhận.
Luật của các bộ phái, như Ngũ phần, Tăng-kỳ, Tứ phần, Thiện kiến, đều có quan điểm như nhau, theo đó, ngay trong đại hội kết tập lần thứ nhất tại thành Vương Xá các bộ loại Thánh điển nguyên thủy đã được định hình, trong đó, các kinh có lượng trung bình, không dài không ngắn được tập họp chung thành một bộ loại gọi là Trung. Định nghĩa này không tuyệt đối chính xác, xét theo hình thức các kinh thuộc Trung A-hàm bản Hán dịch hiện tại. Trong số các kinh được gọi là Trung, tương đương với các kinh được tìm thấy trong Majjhima-Nikāya, cũng có một số các kinh được tìm thấy tương đương trong Trường A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất, hoặc trong các bộ Dīgha-Nikāya, Samyutta-Nikāya, Khuddaka-Nikāya. Vì vậy, luật Tát-bà-đa tì-ni Tì-bà-sa của Hữu bộ nêu một định nghĩa khác: "Những nghĩa lý sâu xa được nói cho hàng chúng sinh lợi căn, tập hợp thành Trung A-hàm." Do bởi nguyên bản Phạn hay Sanskrit đã thất lạc, cũng không có bản dịch Tạng ngữ hoàn chỉnh tương đương, ngoại trừ một số Kinh đơn hành bản được tìm thấy trong luật Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ (Mūlasarvāstivāda-vinaya) bản dịch Tạng ngữ. Toàn văn bản được xem là đầy đủ hiện chỉ tồn tại trong bản dịch Hán.
Hiện nay cũng chưa có khảo cứu nào khả dĩ xác định hình thức tập thành nguyên thủy của Kinh này.
Trong thời kỳ đầu, các kinh thuộc Trung A-hàm được dịch Hán sớm nhất có thể nói do bởi An Thế Cao 安世高, nay vẫn có thể đọc được trong Đại chánh tạng. Đây chỉ là bảy trong số 222 kinh hiện được biết.
Nhìn chung, khởi đầu từ An Thế Cao, trong khoảng niên hiệu Kiến Hòa 2 đời Hậu Hán (tl. 148), cho đến Pháp Hiền 法賢, niên hiệu Hàm Ninh 4 đời Tống (tl. 1001), có tất cả 70 kinh đơn hành bản thuộc Trung A-hàm. (...)
Ghi chú
1. Bộ Trung A-hàm gồm có 4 quyển (q.1-4) do Tuệ Sỹ dịch Việt và chú thích; cộng 1 sách Tổng Lục do Tuệ Sỹ biên soạn.
2. Toàn bộ sách do Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam thực hiện đều được ấn hành phi lợi nhuận. Với tâm nguyện cúng dường Pháp thí, Hội Ấn Hành ĐTKVN lần lượt in các Kinh Luật Luận trên giấy tốt và bìa dày tại các nhà in chuyên dụng để cúng dường thập phương. Ngoài ra, nếu quý vị muốn thỉnh Kinh sách theo nhu cầu cá nhân mà không bị gián đoạn, hay trường hợp Kinh sách in đã phân phối hết, xin tùy chọn cách đặt in sách "print on demand" nơi đây và tự nguyện trả các chi phí. Giá niêm yết ở đây là các chi phí tối thiểu do các hệ thống phát hành quốc tế quy định, chúng tôi hoàn toàn không thu bất kỳ lợi nhuận nào trong Phật sự này.