Tác giả chia tác phẩm ra làm 3 phần rõ rệt về Nho tự, Đạo học và Văn Chương. Mỗi một phần có 14, 11 và 8 đề tài khác nhau và đặc biệt nhất phải nói là 14 đề tài đầu; mỗi đề tài chỉ bàn về một chữ. Ví dụ như chữ nhân, lễ, nghĩa, hiếu, tín, đạo, đức, thành v.v... Mỗi chữ như vậy, tác giả phân tích ra từng bộ một để giải thích, dẫu là người chưa am tường chữ Hán cũng có thể hình dung ra được bộ ấy, chữ ấy là nghĩa như thế nào. Điều này giống như một ông đồ Nho giải thích cho những người mới học biết cách viết, cách đọc và ý nghĩa của mỗi chữ rất rõ ràng. Do vậy, dù ai có khó tính đến đâu hẳn cũng phải hài lòng với lập luận của tác giả.
Tác giả không chỉ giải thích ý nghĩa từng bộ, từng chữ được ghép lại, mà còn mang đưa thêm vào những điển tích của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo để tạo nên nhiều câu chuyện lý thú giữa ông Lý và ông Tư, những nhân vật hư cấu trong sách. Ngoài ra tác giả cũng mượn những câu chuyện lịch sử, văn chương, đạo đức của Việt Nam thêm vào phần kết luận của mỗi bài như vậy, làm cho người đọc biết rằng Nho sinh này vốn gốc người Việt, học Hán văn ở bậc Đại học, mới có thể hiểu tường tận về những chữ viết và điển tích như vậy. Nếu tự mình nói và tự mình lý luận thì chắc rằng không hay; nên Tác giả đã lấy chính mình ra để hỏi và đáp cho ông Tư, ông Lý, Tân và Lam Ngọc. Nếu không phải là tác giả thì những người đối diện ấy làm sao trả lời được những câu hỏi như tác giả mong muốn?
Đến phần Đạo học, giải thích về Tánh không trong thơ của Vương Duy, Tác giả so sánh với Tánh không của Phật Giáo, rồi truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du về "thiện căn ở tại lòng ta", tâm tánh và vô ngã, tâm từ, tâm bi của Bồ Tát Quan Thế Âm, cái thấy, cái nghe nhị nguyên v.v... thật là tuyệt diệu. Tác giả cũng đã trích những câu thơ, văn của Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên, thơ của bà Huyện Thanh Quan, của Nguyễn Công Trứ, của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, của Nguyễn Khuyến v.v... hầu hết những thơ văn Việt Nam mà chúng ta được học từ thời Trung Học. Tác giả đã khéo léo cho thêm vào giữa những câu chuyện đối đáp giữa Ông Tư và Ông Lý thật là ý vị.
Tác giả cũng trích thơ văn của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ v.v... từ đó Tác giả giải thích về cái ngã và ngã sở của những bậc Quân Vương và Thầy dạy học. Có lần Khổng Tử trả lời rằng: "Thánh tắc ngô bất năng, ngã học bất yểm"(Là thánh, ta chẳng thể; nhưng với việc học, ta không chán.). Mặc dầu sau này người đời tôn Khổng Tử là bậc Thánh hay "vạn thế sư biểu", nhưng đương thời Khổng Tử chưa bao giờ nghĩ mình là thánh. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng vậy. Ngài tự nói rằng: "Ta chỉ là một người chỉ đường."