Quyển sách này được viết ra như những ghi nhận của bản thân tác giả trong quá trình đọc và học kinh Duy-ma-cật. Đó là lý do ban đầu anh đã sử dụng tên gọi là Bút ký Duy-ma-cật. Tuy nhiên, điều thú vị là với một nỗ lực học hỏi đáng khâm phục, anh đã mở rộng phạm vi tham khảo đến rất nhiều tác phẩm liên quan hiện có về bộ kinh này. Nhờ đó, chúng ta có thể thấy rõ tính chất phong phú và đa dạng của những phân tích giảng giải được tác giả đưa vào tập sách. Chính vì vậy mà sau khi đọc qua tập sách tôi đã đề nghị đổi tên sách thành Tường giải kinh Duy-ma-cật.
Kinh Duy-ma-cật là một trong số ít những quyển kinh quen thuộc với hầu hết Phật tử thuộc đủ mọi tầng lớp, độ tuổi và trình độ khác nhau. Bản thân tôi đã tiếp xúc một cách vô cùng hứng khởi với kinh này từ khi còn là một chàng trai chưa đến tuổi đôi mươi. Tất nhiên, với vốn liếng học Phật lõm bõm vào thời điểm đó, tôi đã đọc và hiểu kinh Duy-ma-cật theo cách hoàn toàn khác với những năm sau này. Khoảng hơn 20 năm sau, tôi lại có cơ duyên tiếp xúc trực tiếp với bản Hán văn của kinh này. Việc đọc hiểu trực tiếp từ bản Hán văn giúp tôi tiếp nhận kinh văn một cách đầy đủ hơn, và đó chính là nguyên do thúc đẩy tôi chuyển dịch kinh này sang tiếng Việt với rất nhiều chú giải, hy vọng có thể giúp ích nhiều hơn cho thế hệ trẻ vốn không quen với văn phong cổ kính của các vị tiền bối thuộc thế hệ đi trước. Rồi lại hơn 20 năm sau nữa, nhân duyên đưa đẩy tôi đến với vai trò biên tập và hiệu đính loạt bài giảng của Thượng tọa Thích Huyền Châu về bản kinh này. Công việc lần này giúp tôi có nhiều điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về bản kinh, có mở rộng tham chiếu đến cả những bản Hán dịch khác nhau.
Vì thế, khi nhận được bản thảo Bút ký Duy-ma-cật, tôi như gặp lại một người quen cũ. Và lần này tôi có thêm cơ hội để tiếp cận với kinh Duy-ma-cật từ một góc nhìn khác hơn: góc nhìn của một người cư sĩ. Tất nhiên, giáo pháp của đức Phật là bình đẳng đối với mọi chúng sinh, nhưng do tâm hạnh khác nhau nên việc tiếp nhận và thực hành giáo pháp đó cũng luôn khác nhau. Và cũng chính vì thế, khi đọc những trang tường giải được viết ra bởi một người cư sĩ, chúng ta sẽ có thêm những góc nhìn đa dạng, phong phú hơn đối với bộ kinh đặc biệt này.
Tường giải kinh Duy-ma-cật xem trọng và khuyến khích việc thực hành giáo pháp ngay trong đời sống hằng ngày, thay vì chỉ tiếp cận trên bình diện nghiên cứu học thuật. Chính từ quan điểm này, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều cách giải thích mới mẻ và khác biệt so với truyền thống nhận hiểu từ xưa nay trong giới kinh viện. Tác giả như người đang đi vào một vùng đất mới và đầy hứng khởi trong việc khám phá những điều mới lạ qua từng bước chân đi của chính mình. Anh vẫn không xa rời những tấm bản đồ chỉ đường của người đi trước, nhưng luôn mạnh dạn tự mình dò tìm từng ngóc ngách hay lối rẽ trên đường đi. Chính vì sự nhiệt tình và hứng khởi đó, đôi khi anh cũng không tránh khỏi quá đà và bước lệch khỏi con đường chính. Tuy nhiên, với tâm chân thành học hỏi, anh sẵn sàng đón nhận những sự