Theo như kinh Phật, loài người chúng ta đang đối diện với bao nhiêu điều thống khổ? Đức Phật dạy có tám nỗi khổ đau mà nhân loại ở đời ai cũng phải đối mặt, trong đó có "Cầu bất đắc khổ". Chính vì lẽ đó, nên ta thấy cuộc đời không đẹp như ta nghĩ. Tuy nhiên, cuộc đời không đẹp như mơ là do những điều ta mong cầu không được như ý muốn, chứ bản chất cuộc sống không phải vậy. Cuộc sống vốn đẹp cho những người có tư tưởng lạc quan.
Bởi cuộc đời đẹp hay không là do tâm ta tương tác với đời như thế nào. Cho nên, mục đích của cuốn sách nhỏ này là giúp chúng ta làm thế nào để sống tích cực, an lạc dù cuộc đời không đẹp như ta mong đợi. Hay nói khác hơn, nếu mỗi người trong chúng ta đều biết ứng dụng và phát huy lời Phật dạy thì mỗi người sẽ biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, biết cách chấp nhận, đối diện với những điều bất như ý trong cuộc sống với tâm bình thản, tự tại, an lạc. Vậy làm thế nào để sống an lạc?
Vâng, con người ở đời, muốn sống an lạc thì căn bản là tâm không còn khổ đau. Và theo lời Phật dạy, nỗi khổ của chúng sanh ở đời thì muôn ngàn nhưng tựu trung lại đều nằm trong bát khổ (tám nỗi khổ). Những nỗi khổ đau đó là sanh, già, bệnh, chết, cầu không được như ý, thương yêu phải chia lìa, ghét nhau nhưng vẫn hội ngộ, sự thịnh suy của thân ngũ ấm. Đây là khổ đế, chân lý chắc thật, một sự thực về bản chất khổ cho ta thấy tất cả nỗi khổ đau trên thế gian này, mà mỗi chúng sanh đều phải chịu: Này các Tỳ kheo, sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngũ uẩn là khổ."
Đề tài bài viết này sẽ liên quan đến nỗi khổ số 7 trong 8 khổ, tức do điều mong cầu không như ý muốn là chúng ta thấy đời không như mơ.
Người xưa dạy: "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". Vâng, đó chính là tinh thần tùy duyên bất biến của đạo Phật. Và nhờ vào tinh thần này, người con Phật luôn sống an lạc giữa thịnh suy của dòng đời. Có nhiều cách để sống vững chãi an lạc giữa đời như
- Không phiền não
- Luôn nghĩ về người khác nhiều hơn là chính mình
- Thi ân mà không cần báo đáp
- Tu tập chánh pháp là cơ hội và cũng là trách nhiệm tạo ra một thế giới tốt đẹp, hạnh phúc
- Không làm khổ mình và làm khổ người
- Luôn nhận ra lỗi lầm và xin lỗi vì sai lầm do mình tạo nên.