1. Đạo mầu nhiệm huyền diệu chẳng thể nghĩ bàn, chỉ kẻ được ý quên lời mới có thể hiểu rõ ràng. Cho nên Thế Tôn phân hai chỗ ngồi ở trước tháp Đa Tử mà mời đức Ca-diếp ngồi. Ngài cầm đóa hoa ở trên hội Linh Sơn đưa ra, duy chỉ có Ca-diếp hiểu ý Ngài, đó cũng như lửa tiếp nối lửa, tâm ấn vào tâm. Đạo Thiền từ phương Tây truyền thừa 28 đời, tới Bồ-đề Đạt-ma qua phương Đông làm Sơ Tổ, chỉ thẳng vào tâm người, thấy tánh thành Phật.
2. Đại sư Huệ Khả nghe pháp của Đạt-ma thì ngộ nhập, sụp lạy ba lạy, đắc đạo thâm sâu như đến tận xương tủy, nhận y bát nối dòng làm Tổ thứ hai, truyền lại mối đạo của Sơ Tổ, mở rộng chánh tông, dần xuống tới Tổ thứ ba là Tăng Xán, Tổ thứ tư là Đạo Tín, Tổ thứ năm là Hoằng Nhẫn. Trong chúng hội theo Ngũ Tổ, số cao tăng cả thảy là bảy trăm, duy có vị cư sĩ Phụ Thung nhân một bài kệ mà được trao y bát làm Tổ đời thứ sáu. Về miền Nam ẩn dật trong mười mấy năm, một ngày kia Tổ Sư gặp pháp sư Ấn Tông, nhân thuyết lý "chẳng phải gió làm động phướn", Tổ Sư mới khai mở chánh kiến cho Ấn Tông. Từ đó, Ngài cắt tóc, lên đàn, ứng lời huyền ký của Bạt-đà-la, khai mở pháp môn tại chùa Đông Sơn. Sứ quân họ Vi nhờ Hải Thiền sư sao lục những lời của ngài, lấy tên là Kinh Pháp Bảo Đàn.
3. Đại sư bắt đầu giảng pháp ở thành Ngũ Dương, sau đến Tào Khê, ở đó thuyết pháp trong 37 năm. Những kẻ thấm mùi cam lộ, nhập thánh siêu phàm chẳng biết bao nhiêu mà kể. Những kẻ ngộ Phật tâm tông, việc làm và chỗ hiểu phù hợp với nhau, làm người đại tri thức, tên tuổi được đưa vào Truyền Đăng Lục thời có Nam Nhạc, Thanh Nguyên, truyền lại cho các ngài Mã Tổ, Thạch Đầu, cơ trí viên minh, huyền phong dậy động, lại truyền xuống các vị Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Sơn, Động Sơn, Vân Môn, Pháp Nhãn hiển hiện cao vọi, đạo đức tót vời, môn đinh cao hiển, mở dẫn anh linh nạp tử, phấn chí xung động cửa huyền, một cửa vào sâu, năm phái đồng nguồn, trải khắp lò đe, quy mô rộng lớn. Nguyên cái cương yếu của năm nhà kể trên đây đều do ở Đàn Kinh mà ra.