Nhân loại hôm nay cũng như trước đây 2511 năm đã tự soi vào mình để phát giác ra rằng: mình đang hiện hữu trong một nghiệp dĩ khổ đau giữa một xã hội phi lý bất ổn, trong một vũ trụ vật lý vô nghĩa ma sát giới hạn khắt khe sinh mạng con người. Tâm trạng này đang vò xé con người, tạo ra một nguồn tư tưởng cô đơn tuyệt vọng! Mọi tinh thần giá trị cũ đương bị con người bôi xóa. Hệ thống duy thần bị coi là lạc hậu. Hệ thống duy vật tàn ác phi nhân đã bị vượt dưới nhận thức toàn diện của nhân loại tiến bộ. Phong trào hiện sinh của thời đại thì quan niệm thân phận con người hiện hữu đầy khổ đau tuyệt vọng, cuộc đời là phi lý, buồn nôn, chẳng có chi là hiện hữu đích thực cả, và còn đặt con người, cuộc đời trước một sự kiện đã rồi, để phó mặc cho hư vô vây khốn, chóang ngợp vũ trụ. Do đó, nhân loại hiện nay đương trong vòng bế tắc, chưa tìm được tư tưởng chỉ đạo cho cuộc sống con người, nên đã, đương rơi vào trạng thái hoài nghi buồn chán: con người cảm thấy mình sống lạc lõng trong một vũ trụ vô thường ảo hóa, sống bằng kiếp người thống khổ mong manh, sống giữa một xã hội bất công cùng cực!
Sự kiện trên minh nhận rằng: nét chính của thời đại là tan loãng mệt mỏi! Con người không thể đứng yên ở trạng huống mất hướng này được. Sự đau khổ của con người phải được giải quyết. Mà muốn giải quyết khổ đau, muốn thoát cảnh bế tắc khắp mặt như hiện nay, nhân loại chỉ còn một con đường sáng duy nhất là tìm về nguồn suối Từ Bi, để hòa hợp mình với tự nhiên giới làm cho vạn hữu cùng rực rỡ thêm lên, hòa hợp với tâm tư giới làm cho nhân loại cùng sáng suốt thêm lên, hòa hợp với siêu việt giới để Phật tính thường hằng nơi vạn hữu mau xòe nở tròn đầy.
Đạo Phật nhận rằng: Vạn vật chúng sinh đều có Phật tính. Con người đều có khả năng thành Phật. Do đấy, con người trong đạo Phật là con người của mọi tầng lớp xã hội, mọi quốc gia, mọi tôn giáo, trên mặt đất và trong tam thiên đại thiên thế giới. Mặc nhiên là con người đạo Phật, khi chúng sinh đó là một người sinh hoạt trên ba chiều hướng, tự nhiên, tâm tư, siêu việt giới, và ý thức được mình là một con người hiện hữu. Rồi nhận trách nhiệm về sự hiện hữu của mình để tự chủ tu chứng bằng thể hiện ba đại hạnh BI, TRÍ, DŨNG để làm sáng cho phận người, làm đẹp cho cuộc đời.
Với ý hướng trên, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần đề cao khả năng dung hóa của đạo Phật; một đạo từ nghìn xưa đã mở đầu cuộc tổng hợp rộng lớn giữa các hệ thuyết Ấn độ thâm sâu; một đạo mà truyền tới đâu cũng dung hợp được với các nền văn minh địa phương, để tạo cho mỗi địa phương một sắc thái từ bi đạo hạnh để chỉ nẻo mãi mãi hướng đi cho con người và cuộc đời trong trách nhiệm: giải thoát tâm tư khỏi trói buộc của thực tại thế giới...