Lần tái bản đầu tiên đúng nghĩa này, tôi giữ trọn 70 bài đã in trong tập thơ trước, nhặt lỗi chính tả sơ ý để sót và sửa cho chỉn chu, giảm tối đa lỗi vặt vãnh khác. Song song chuyện dò lỗi - nhặt lỗi, tôi thực hiện thêm thao tác cần hạn chế và tránh đối với người sáng tác là tự tạo những dị bản cho tác phẩm của mình - như việc tách khổ các bài lục bát tôi viết một mạch theo cảm hứng, bỏ các dấu ngắt không cần thiết ở quá nửa những bài trong tập, bỏ cả các dấu ngắt ở nhan đề. Sự sửa chữa tùy hứng trên, với tôi không ảnh hưởng đến bài thơ hay mạch cảm xúc của bạn đọc đã đọc bản in đầu, đơn giản: tôi không sửa chữ nghĩa. Sở dĩ, tôi quyết định bỏ các dấu ngắt, bởi bản thân nhận ra những dấu ngắt ấy mang dấu vết của sự học hỏi vụng về thiếu tính "quy hoạch", lẫn lộn, sử dụng tùy hứng; sau là, quá trình độc giả đọc của các tác giả khác, họ đã có những "kinh nghiệm ngắt thầm", biết ngừng - nghỉ vị trí nào trong câu thơ, việc tôi để sẵn hóa thừa, lắm phen cái nhan nhản kia gây chối nữa!
Gác sang bên trần tình phần chỉnh sửa, tôi có bổ sung một ít bài, y boong hàng chữ được lập trình khi tái bản một cuốn sách: Tái bản lần thứ... có chỉnh sửa và bổ sung. Chữ "một ít" nghe nhẹ nhàng lắm, nhưng cũng vài ba chục bài, được sắp xếp theo từng mục mà tôi đã vạch ra từ khi còn là bản thảo riêng cho dự tính xa xôi.
Bảo là "những bài thơ mới", kỳ thực tôi đã viết chúng không dưới một năm. Số ấy, tôi đã chọn ít bài đăng rải rác trong các tuyển tập thơ hợp chủ đề, hay chia sẻ riêng với bạn bè. [...] Vượt 200 trang, cả thảy 100 bài thơ lớn nhỏ, chèn ít phụ bản giảm tính đơn điệu - điều đấy quả thật vừa quá tải lại tăng độ nhàm chán dành cho một tập thơ. Theo tôi, một tập thơ cõng từ 20 đến 30 bài là cầm vừa đủ êm tay, đọc không nhàm. Không lệch ý đồ của tác giả, Gom Nhặt Thành Con Sông và những bài thơ mới cũng được in với số lượng hạn chế, chủ yếu làm kỷ niệm, nhắc nhớ bản thân từng có quãng thời gian hết mình với thơ ca. Mang hình thức tập thơ tuyển, tác giả mong bạn đọc xí xóa tập thơ dày dặn khi so mặt bằng chung.