Một điều hiển nhiên là, mọi việc đều tuân theo quy luật nhân quả có nhân ắt có quả, và ngược lại. Mọi việc hoàn toàn không phải tự nhiên mà sinh ra. Vậy tại sao thiên chúng ở đó lại ở trong hoàn cảnh đó? Tuy có tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, và làm đủ thứ việc công quả trong chùa, nhưng họ không lĩnh hội được Phật trí. Nhờ công đức niệm Phật, nhờ làm việc phước thiện, nên cũng được sinh ở tại cõi Cực Lạc nhưng không gặp được Phật, Pháp, Tăng. Bởi vậy, họ không lĩnh hội được Phật trí. Vậy khi nào họ được gặp Phật, Pháp, Tăng? Chỉ khi trong tâm họ khởi niệm muốn lĩnh hội Phật trí. Tự nhiên, lúc đó, họ sẽ thoát khỏi lầu vàng điện các đó và được sinh thẳng ở trong nước Cực Lạc, ở trong hoa sen, được gặp Phật nghe pháp. Đó là điều kiện.
Vậy làm sao để chúng ta có được Phật trí? Chúng ta phải đi dự pháp hội. Nếu không học Phật pháp làm sao các vị lĩnh hội được Phật trí? Nhân nào thì quả đó, nên Thầy khuyên Phật tử nên gắng học Phật pháp. Đành rằng vào chùa làm công quả, niệm Phật tinh tấn, tụng kinh... đều tốt, có nhiều phước; nhưng nếu không học Phật pháp, không lĩnh hội được Phật trí thì quả là uổng phí cho cuộc đời của mình.
Xin lấy ví dụ như thế này: một con ngựa được người chủ nuôi nhốt trong chuồng. Khi nhà bị cháy, người chủ không kịp cứu, đến nơi thì thấy nó bị chết trong đám cháy. Là bởi sao? Bởi, nó thiếu khả năng sinh tồn, được con người nuôi dưỡng, cho ăn uống đầy đủ, nhưng lại không được luyện tập chạy (khả năng chạy trên đường đua không được rèn luyện). Hoặc như, một người được cha mẹ nuôi dưỡng đầy đủ, không bao giờ lo thiếu tiền, và việc có việc làm hay không cũng không quan trọng (vì vẫn có đầy đủ tiền của, vật chất). Thế là việc học hay không học không còn ý nghĩa gì với họ. Các vị thử so sánh vị này với một người luôn không chấp nhận số phận của mình, họ nỗ lực bằng mọi cách: phấn đấu học tập, cần mẫn lao động để vươn lên. Hai người này, hai khả năng sinh tồn hoàn toàn khác nhau.