Tôi cũng không biết, qua tất cả những ca khúc Trần hát, cuối tuần, đêm hè, ở 1029 Ranchero Way, thì Bạc Liêu, những ngày nước lớn, Bạc Liêu với Chợ Lồng nổi tiếng, và sắc màu ánh đèn Saigon - Chợ Lớn... phì nhiêu, có chiếm một vị trí đặc biệt nào trong bập
bùng hơi thở dĩ vãng của Trần? Hay tất cả đã sớm trở thành một phần máu huyết, một phần muộn phiền bất ly thân trong đời sống tinh thần người trẻ tuổi này?
Thời gian đó, như tôi biết, cũng là thời gian những bài thơ tình đầu đời Lê Giang Trần được viết xuống - Trước khi chúng được gom lại, do bằng hữu khuyến khích, để thành thi phẩm "Saigon ở phố lưu vong", xuất bản năm 1991.
Gần đây, tình cờ một bạn đọc, gởi lại tôi bài viết ngắn, tôi viết thay cho lời tựa mở vào "Saigon ở phố lưu vong" - Đọc lại bài viết ngắn của mình, sau hơn 20 năm, tôi còn thấy ngậm ngùi cho Trần, cho những kẻ thủy chung với kỷ niệm, gắn bó với nơi chốn:
"...Trong ký ức tôi, mãi tới đầu năm 1985, mới có ba chữ Lê Giang Trần.
"Trong gặp gỡ đầu, Từ Hạnh giới thiệu cho tôi một người đàn ông cùng làm nghề chuyển âm với Từ Hạnh trong khu chợ Viễn Đông ở đường 17 - Tên Vương Kim Vân.
"Trong ký ức tôi, là căn phòng làm việc nép dưới những tàng cây avocado, đường Ranchero way. Trên chiếc ghế bố kê sát vách tường, tôi được đọc những bài thơ đầu tiên của Vương Kim Vân, ký Lê Giang Trần.
"Trong cái thế giới nhỏ bé, có những trái avocado rụng khô trong đêm. Lê Giang Trần ca cải lương, ca tân nhạc và viết văn nữa. Đời sống như thơ của anh, đơn giản, hiền lành.
"Tự nào giờ, tôi vẫn cho thi ca là tiếng nói đầu tiên và cuối cùng, tinh khôi nhất của một trái tim, tinh ròng không có chỗ những làm dáng màu mè, trí thức. Tinh ròng hay, sần sùi, thô, nháp, là đặc tính đáng ghi nhận nhất của cõi thơ Lê Giang Trần.
"Tự nào giờ, tôi vẫn nghĩ, sân chơi tinh ròng thi ca, chỉ dành riêng cho những tấm lòng chung thủy mở ra với trời đất, với thiên nhiên, với bằng hữu. Kẻ làm thơ không có một tấm lòng thủy chung, thì, căn bản, y chỉ là một tay xài bạc giả. Cái bóng bẩy, hào nhoáng của nghệ thuật chỉ là một lớp sơn che giấu cốt lõi mục, rã.
"Tự nào giờ, tôi vẫn cho những kẻ thiết tha, gắn bó với nơi chốn, với cảnh đời y đã đi qua, chính là kẻ thủy chung ở với ta vậy.
"Lê Giang Trần chính là người ở với kỷ niệm, ở với nơi chốn. Cõi thơ của anh, đầy những cánh chim về núi. Cõi thơ của anh, bay trên những dậm trường khuất lấp, chân mây...
"Và, bạn còn muốn đòi hỏi gì khác hơn, những dậm trường tan nát trong thơ người mang tên Lê Giang Trần này?
"Du Tử Lê
"tháng 2-1991".