Đạo Phật đã song hành cùng dân tộc Việt suốt mấy ngàn năm nay, ngay từ thuở mới du nhập vào xứ Việt. Đạo Phật đã lập tức bén rễ và ăn sâu vào dòng tâm thức của người Việt, giáo lý từ bi, giải thoát kết hợp với truyền thống văn bóa đã tạo nên một bản sắc riêng của tộc Việt, cũng nhờ thế mà tộc Việt vẫn tồn tại độc lập với tộc Hán, mặc dù các triều đình phong kiến Trung Hoa liên tục xâm lược và cố gắng đồng hóa người Việt.
Từ thuở ban đầu với trung tâm Phật giáo nổi tiếng Luy Lâu, với những chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện... cho thấy sự hòa nhập và ảnh hưởng qua lại của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, văn hóa bản địa. Sau đó là những thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo ở Đại Việt, huy hoàng nhất có lẽ từ khi Đinh Tiên Hoàng xưng đế, định chế ra giáo phẩm tăng thống và đỉnh cao là giai đoạn Lý -Trần. Bấy giờ Đại Việt có cả một dòng văn học thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Phật giáo có đặc điểm là luôn khế cơ khế lý, nói theo ngôn ngữ đời thường là sự thích hợp với hoàn cảnh và trình độ của cư dân, chính nhờ thế mà đạo Phật truyền đi bốn phương, phát triển ở những vùng đất mới xa lạ, có truyền thống văn hóa khác nhưng không gây ra sự xung đột, xung khắc nào.
Đạo Phật đến với người dân thông qua những câu chuyện, giai thoại, bài ca, bài vè... dễ dàng và thẩm thấu sâu hơn là những pho kinh đồ sộ, nội dung thâm sâu. Thật tình mà nói, kinh điển nhà Phật chất cao như núi, tính chất văn tự bác học, giáo lý thâm sâu, triết lý uyên áo... người dân khó mà thâm nhập được, thậm chí đọc cũng không nổi. Những pho kinh và hệ thống triết lý ấy chỉ dành cho những bậc tu hành, những nhà Phật học, những người nghiên cứu Phật pháp... Ngay cả bút giả cũng không hiểu biết gì mấy, tuy cũng có đọc tụng nhưng chẳng dám đụng đến những triết lý Tánh Không -Bát Nhã. Những gì bút giả viết ra cũng chỉ là những câu chuyện đơn giản của đời thường, những chuyện rất thật của chính bản thân, của bạn bè hay của những Phật tử quen biết.