Tác giả cuốn sách này là một cựu chiến binh thuộc Quân báo Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn bộ binh 3 Sao vàng Anh hùng. Một Sư đoàn ra đời trên đất Bình Định vào thời điểm năm 1965, khi quân Mỹ đổ bộ ồ ạt vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Cuốn sách không mô tả kỹ về những trận đánh lớn, những chiến dịch lớn mà tập trung khai thác những kỷ niệm với đồng đội, với người dân trên suốt chặng đường chinh chiến mà tác giả đã trải qua.
Hơn 26 câu chuyện hết sức quý giá và cảm động, phản ánh chân thật, hùng hồn, sinh động cuộc sống chiến đấu và tình cảm của cha con Trần Khởi, của đồng đội và nhân dân nơi anh đã sống, là những mảnh vỡ lấp lánh giúp chúng ta hình dung ra một con người, một thế hệ, có thể coi đó là thế hệ vàng của dân tộc. Cậu thanh niên Trần Khởi cũng như hầu hết thanh niên hồi đó đã từ chối giảng đường của các trường Đại học trong và ngoài nước để lên đường vào mặt trận đánh Mỹ. Cha của anh làm một sỹ quan cao cấp, phó chủ nhiệm chính trị binh trạm cũng đã đồng tình với sự lựa chọn của con, trong một dịp tạt qua nhà đã đem theo anh vào chiến trường.
Nhưng cuộc sống chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn đã không làm anh thanh niên Trần Khởi thỏa mãn, cuối cùng anh đã lặng lẽ bỏ đơn vị, trốn cha để vào sâu hơn, hy vọng có thể trực tiếp đối đầu với lính viễn chinh Mỹ, trả thù cho quê hương anh bị bom Mỹ tàn phá. Và một may mắn lớn, như một duyên phận đã đến với anh. Trên con đường trốn cha vào chiến trường, anh đã gặp một người cha thứ hai, là tư lệnh Huỳnh Hữu Anh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Sao vàng.
Có thể coi truyện ký "Cha con - lính trận" của Trần Khởi là một tự truyện của tác giả. Ở đó, ký ức như những mảnh vỡ được chắp nối để rồi, khi gấp trang sách lại ta có thể thấy được chân dung hoàn chỉnh về một người lính và cao hơn, chân dung của một thế hệ, một vùng đất mà tác giả, vừa là người làm chứng vừa là người can dự.
Xin trân trọng giới thiệu "Cha và con - lính trận" với bạn đọc.