Đây là tác phẩm biên khảo thứ tư của Ngô Nhân Dụng, sau ba cuốn đã in dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Yêu con, dạy con nên người Việt (ký Đỗ Quý Toàn, 1987), Đổi Mới Kinh Tế Thí nghiệm Cộng sản đã thất bại, Việt Nam đi về đâu? (ký Vương Hữu Bột, 1989) và Tìm thơ trong tiếng nói (ký Đỗ Quý Toàn, 1992)
Nhìn vào danh sách bốn tác phẩm trên, nhận xét đầu tiên cần được rút ra là Phạm vi nghiên cứu của Ngô Nhân Dụng thật rộng: Ông đi từ giáo dục đến kinh tế, lý thuyết văn học, và cuối cùng, lịch sử và văn hóa (hoặc, đúng hơn, nhân học, anthropology). Các tác phẩm thuộc các lãnh vực không những khác nhau mà có khi còn rất xa nhau, ngỡ như trái ngược hẳn nhau (như giữa thơ và... tài chính, chẳng hạn!)
Ngoài sự đa dạng, tất cả các cuốn sách ấy đều có hai đặc điểm chung: Thứ nhất, tính chất nghiêm túc trong học thuật. Được đào tạo có bài bản ở Tây phương, lại có kinh nghiệm giảng dạy ở đại học trong nhiều năm, Ngô Nhân Dụng nắm rất vững các phương pháp nghiên cứu, nên cuốn sách nào của ông cũng đều có độ dày về tài liệu, độ sâu của sự phân tích, sự giàu có của các chứng cứ và sự mạch lạc trong cách lý luận, tránh được những kết luận vội vã, võ đoán, xuất phát từ thành kiến quen thuộc thường thấy. Thứ hai, tính chất khám phá. Mỗi cuốn sách của Ngô Nhân Dụng đều mang lại cho người đọc nhiều phát hiện thú vị, hoặc trong tư liệu hoặc trong quan điểm hoặc trong cả hai. Dù chuyển dịch qua nhiều lãnh vực khác nhau, ở đâu Ngô Nhân Dụng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, cập nhật được những kiến thức mới nhất trong ngành và ở đâu ông cũng cố gắng đưa ra một cách nhìn khác, ít nhất so với giới cầm bút Việt Nam. Cái gọi là "cách nhìn khác" ấy hiếm khi được đẩy đến cùng, có lẽ do Ngô Nhân Dụng ngại sự "cực đoan" Ông thường dừng lại ở thao tác tổng hợp để bao quát nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, hầu vẽ nên một bức tranh nhiều chiều và nhiều tầng. Đọc ông, nhờ vậy, người ta vừa thấy thích thú vừa thấy gần gũi. Ông không gây hấn với truyền thống và thành kiến, không đẩy người đọc vào thế đối lập. Ông chọn cách đối thoại khoan hòa và dung hòa.
Trong các tác phẩm của Ngô Nhân Dụng, cuốn sách mới nhất, Đứng vững ngàn năm, là cuốn sách hay và rất cần thiết. Nó vừa có ý nghĩa học thuật vừa có ý nghĩa chính trị Nó trả lời được nhiều câu hỏi không những của giới nghiên cứu về lịch sử và văn hóa mà còn của mọi người Việt Nam bình thường trước tình hình chính trị, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh học thuật.
Đặc điểm đầu tiên của cuốn Đứng vững ngàn năm là sự mới mẻ.
NGUYỄN HƯNG QUỐC