Sự ra đời và phát triển của đặc san Văn Hóa Phật giáo thường niên này cũng không ngoài quy luật đó. Năm 2019, các anh em trong Ban Biên Tập báo Viên Giác vì muốn đánh dấu một kỷ niệm đặc biệt nhân 40 năm báo Viên Giác hiện diện với đời, nên đã cho xuất bản Đặc San Văn Hóa Phật Giáo gồm có 38 tác giả đóng góp bài vở để hình thành 560 trang in màu trên giấy trắng tốt. Đến năm 2020 mặc dầu thế giới đang bị vây hãm bởi dịch bệnh Covid 19, nhưng Ban Biên Tập cũng đã hình thành được Đặc San Văn Hóa Phật Giáo thứ hai với chủ đề "Phật Giáo & Đời Sống", có 49 tác giả khắp nơi trên thế giới đóng góp bài vở để hình thành 668 trang sách. Năm nay, 2021, Ban Biên Tập của Đặc San Văn Hóa Phật Giáo, gồm ba đạo hữu Phù Vân, Nguyên Đạo và Nguyên Minh, đã thỉnh mời được nhiều chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như quý đạo hữu Phật tử xa gần, gồm 50 tác giả, đóng góp bài viết cho cuốn Đặc San Văn Hóa Phật Giáo này với chủ đề "Chuyển Hóa Khổ Đau". Với nội dung phong phú và hình thức trang nhã, chúng tôi tin rằng Đặc San lần này sẽ không cô phụ tấm lòng của độc giả khắp nơi đã chờ đợi cả năm nay.
Như vậy, Đặc San thường niên này có thể xem như đã chính thức thành hình và phát triển những bước đầu tiên, với sự góp sức nuôi dưỡng và tài bồi của đại chúng khắp nơi, từ những tác giả hiện diện trong hàng tứ chúng Phật tử cho đến hết thảy độc giả trên toàn cầu đã nhiệt tình đón nhận và khích lệ những năm qua. Có được thành tựu này, trước hết chúng con xin niệm ân Chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng như Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, năm nay Ngài đã 94 tuổi, nhưng cũng đã cho gửi bài để chúng con đăng tải một cách trang trọng trong Đặc San này, Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc ở tuổi 80, nhưng vẫn còn nhiệt huyết với Văn Học Phật Giáo nước nhà, Hòa Thượng Thích Phước An, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cùng chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, đã vì lòng bi mẫn mà đóng góp phần trí tuệ của mình qua những trang Văn thật thắm tình đạo vị. Quý thiện nam tín nữ, Phật tử cũng như không Phật Tử đã vì sự duy trì và phát triển nền văn hóa nước nhà và đặc biệt là văn hóa Phật giáo, nên đã không ngừng cộng tác với những bài viết thật giá trị trong Đặc San này. Những vần thơ của nhiều tác giả, những phụ bản trong Đặc San của họa sĩ Cát Đơn Sa và hình bìa của họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt đã và sẽ mang đến cho người đọc nhiều tri thức, kiến văn đa dạng ở nhiều lãnh vực khác nhau mà tiền bạc không thể nào mua được, như người Nhật Bản đã nhận định. Và cuối cùng, điều quan trọng là người viết cũng như người đọc nên dựa theo chánh kiến để tư duy phân biện mọi việc đúng sai, tốt xấu. Nếu không, chúng ta cũng sẽ dễ biến vàng thật thành vàng giả và chân lý trở thành sự giả tạo, lệch lạc, giống như câu chuyện đọc sai kinh Phật vừa dẫn lại bên trên.